Chàng thủ khoa trường Đại học Kĩ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên năm 2020
Ngành Công nghệ thông tin nói chung và các ngành kỹ thuật liên quan đến máy tính hiện nay khá phát triển. Vì vậy, nhiều trường đại học mở ra các loại hình đào tạo có liên quan đến lĩnh vực này, nhưng để chọn được một ngành phù hợp với năng lực và bản thân người học liệu có đủ kiến thức chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của công việc thì không hề đơn giản.
Liệu có nhất thiết phải học tại các trường đào tạo về Công nghệ thông tin ở thành phố lớn với mức chi phí sinh hoạt cũng như học phí cao thì ra trường mới có được việc làm? Hay chỉ cần học tại các trường tại tỉnh lẻ với mức học phí thấp mà vẫn đảm bảo được yêu cầu của thị trường sau khi tốt nghiệp?
Chàng trai người Nùng là Hoàng Đức Chung - Sinh viên năm thứ 2 ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái nguyên) về phương pháp ôn luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tư duy chọn ngành đúng sở thích, đam mê.
Hoàng Đức Chung có điểm đầu vào khối A là 28,7 (trong đó Toán 9.2; Lý: 8.5; Hóa: 8.25; điểm vùng: 2,75).
Chung mong muốn sau khi tốt nghiệp được làm việc tại các công ty của nước ngoài để có cơ hội rèn luyện nghề. |
Chung cho biết rất yêu thích ngành máy tính, ngay từ năm lớp 12 đã có dự định sẽ tham gia học tập tại một số trường đại học ở Hà Nội, nhưng qua tìm hiểu thấy mức học phí khá cao cùng chi phí ở thành phố nên gia đình khó có thể theo được. Vì vậy theo học ngay tại tỉnh Thái Nguyên với ngành Kỹ thuật máy tính trường đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên là lựa chọn hợp lý cho bản thân em và gia đình.
"Mặc dù khoa Kỹ thuật máy tính ở tỉnh chưa được mạnh như các trường Công nghệ thông tin nhưng về mặt kiến thức vẫn đủ đáp ứng cho nhu cầu học tập của sinh viên. Hơn nữa loại hình đào tạo của trường có liên quan đến công nghiệp trong khi bất cứ một quốc gia phát triển nào cũng cần phải có một nền công nghiệp vững mạnh, chính vì vậy hướng đào tạo sinh viên của trường sẽ bắt kịp với xu hướng của thời đại.
Kỹ thuật máy tính với nhiều khía cạnh, từ thiết kế các mạch điện tử đơn giản đến thiết kế vi xử lý, máy tính cá nhân và kể cả các siêu máy tính. Hiện nay ngành này đang thiếu nhân lực và sẽ rất thiếu trong vòng 10 năm nữa do các công ty trong ngành đang chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu đây là một trong các ngành chủ lực của kinh tế.
Đặc biệt việc thiết kế các hệ thống Nhúng dùng trong hầu hết các thiết bị điện, điện tử như điện thoại di động, xe hơi, các bộ điều khiển trong máy móc, robot công nghiệp.Chương trình đào tạo cung cấp cho sinh viên theo học tại trường có những kiến thức cơ bản, chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và kỹ thuật máy tính nói riêng. Nghiên cứu các nguyên lý, phương pháp để thiết kế và phát triển các hệ thống phần cứng và những phần mềm phục vụ cho hoạt động của các thiết bị phần cứng đó.
Ngoài ra sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sẽ có được năng lực tham mưu, tư vấn, có khả năng làm việc nhóm hay độc lập nghiên cứu để học lên các trình độ cao hơn. Lập trình viên, đặc biệt là lập trình các phần mềm nhúng trên các thiết bị di động. Kỹ sư thiết kế mạch điện - điện tử, mạch điều khiển trong công nghiệp, vi mạch, chip…
Với tất cả những ưu việt đó trong đào tạo, nhưng quan trọng nhất vẫn là cá nhân từng người học phải biết cố gắng, nỗ lực phấn đấu bản thân thì dù có học tập ở đâu vẫn có thể thành công được, không cứ là học tại các ngôi trường nổi tiếng, và dù nếu có học ở đó nhưng với thái độ không nghiêm túc thì ra trường mọi kiến thức cũng chỉ là số không mà thôi. Còn nếu tự bản thân người học nỗ lực, kiên định về hướng mình đã chọn thì cũng sẽ có những giải pháp tiến gần đến thành công.
Sau khi ra trường, em mong muốn được làm việc trong một môi trường quốc tế bởi các tập đoàn nước ngoài luôn có hướng đào tạo hiện đại và tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, ở trong môi trường đó sẽ giúp mình được rèn luyện, hơn nữa mức đãi ngộ cũng tốt hơn”, Chung chia sẻ.
Nguồn:giaoducnet
Xem thêm:Các "IT girl" trường ĐHKT công nghiệp Thái Nguyên