Công nhân khốn khó vì nghỉ việc kéo dài
Gần hai tháng mất việc do Covid-19, có lúc nữ công nhân Dương Thị Kim Chi không đủ 5.000 đồng mua bó rau, phải xin hàng xóm chút đồ mặn về cho con.
Chị Kim Chi, 45 tuổi, vốn là công nhân xưởng may tư nhân trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp. Cuối tháng 5, quận giãn cách theo Chỉ thị 16, chủ xưởng cho tất cả lao động đang thử việc tạm nghỉ, chỉ những người làm lâu năm, có hợp đồng lao động mới được giữ lại, ăn ở, làm việc tại chỗ. Chị Chi là một trong 40 người bị cắt giảm.
Nữ công nhân rời nhà máy, cầm 1,4 triệu đồng tiền lương trên tay, tính toán đủ kiểu mà không biết xoay xở ra sao cho những ngày tới. Chị mở điện thoại định gọi cho chồng đang làm bảo vệ cửa hàng gần đó thì thấy tin nhắn "anh sẽ nghỉ việc từ ngày mai". Chị bất giác ngồi thụp xuống, không thể đi tiếp được dù phòng trọ cách đó chỉ vài bước chân.
Chị Kim Chi chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà.
Cả gia đình chị Chị từ An Giang lên Sài Gòn cách đây 7 năm. Ban đầu chị làm ở Công ty giày da Huê Phong, cuộc sống tạm ổn. Tuy nhiên tháng 7 năm ngoái, ảnh hưởng dịch khiến công ty không có đơn hàng, phải cho gần 5.000 công nhân nghỉ việc. Suốt 5 tháng ròng, chị đem hồ sơ chạy khắp nơi xin việc nhưng đến đâu cũng bị từ chối vì lớn tuổi.
Cuối năm ngoái, qua giới thiệu của bà chủ trọ, chị nhận may ba lô tại nhà, ngồi máy đạp từ sáng đến tối, mỗi tháng kiếm được hơn 2 triệu đồng đủ tiền đi chợ. Giữa tháng 3 năm nay, xưởng may gần chỗ ở tuyển lao động, sau mấy lần cân nhắc, chủ xưởng cũng nhận hồ sơ của chị với điều kiện phải qua hai tháng thử việc, thu nhập mỗi tháng gần 5 triệu đồng.
Nữ công nhân chưa được ký hợp đồng chính thức thì đợt dịch thứ 4 ập đến, xưởng may cắt giảm lao động, chị lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Gần hai tháng qua, cả gia đình ba người sống gói gọn trong 3 triệu đồng là tiền lương của vợ chồng nhận trước khi nghỉ việc. Tiền nhà được chủ phòng trọ cho nợ, cả nhà sống nhờ phần lớn vào rau gạo bên hội phụ nữ, công đoàn cho.
Cuối tuần trước chị Chi lục hết phòng trọ không kiếm đủ 5.000 đồng mua rau để nấu ăn cho cả nhà. Nữ công nhân đánh liều mang chén sang phòng trọ kế bên xin ít cá kho về cho con. Điều an ủi lớn nhất với chị là cửa hàng nơi chồng làm việc sắp mở cửa trở lại. Anh sẽ được đi làm và tháng sau cả nhà sẽ có tiền.
Có được một công việc để làm là ước mơ của gia đình chị Vi Thị Trang, 26 tuổi, quê Nghệ An đang ở trọ tại đường Đông Hưng Thuận 23, quận 12. Chị Trang vốn là công nhân chi nhánh Công ty Asia Garment (trụ sở chính ở quận Tân Bình) nhưng nghỉ việc từ năm ngoái do doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.
Cán bộ công đoàn tiếp nhận rau củ gửi đến các khu trọ công nhân khó khăn.
Tính đến ngày 23/7, cơ quan bảo hiểm xã hội TP HCM đã duyệt hơn 73.000 hồ sơ của người lao động làm việc ở các doanh nghiệp phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương để chính quyền địa phương chi hỗ trợ. Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM Phan Văn Mến cho biết có trên 30.000 trường hợp bị loại do không đáp ứng được điều kiện mà gói hỗ trợ đưa ra.
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Hồ Xuân Lâm nói ngoài hỗ trợ tiền cho lao động bị nhiễm hoặc liên quan các ca Covid-19, các cấp công đoàn có nhiều chương trình giúp đỡ cho công nhân khó khăn, như: hỗ trợ thực phẩm thiết yếu, siêu thị 0 đồng, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng... Tổng cộng công đoàn thành phố hỗ trợ hơn 83.700 lao động với kinh phí khoảng 11 tỷ đồng.
TP HCM hiện có hơn 1,6 triệu công nhân, lao động làm việc trong các nhà máy. Đợt dịch này ghi nhận hơn 4.500 công nhân nhiễm bệnh, gần 14.000 lao động là F1. Hiện, có hơn 901 nhà máy tổ chức vừa sản xuất, vừa cách ly với hơn 10.000 công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ, theo yêu cầu của chính quyền thành phố.
Nguồn:vnexpress
Xem thêm:Hotboy đạt 9,5 Văn - 9,5 Tiếng Anh