Ác mộng tồi tệ nhất của Facebook
Việc bị nhân viên cũ phơi bày hàng loạt sự thật nội bộ được coi là ác mộng mới và tệ nhất của Facebook.
Facebook không còn xa lạ với Đồi Capitol - nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ. Tại đây, CEO Mark Zuckerberg và một số giám đốc cấp cao khác của công ty nhiều lần bị triệu tập trong các vụ bê bối khác nhau. Hầu hết các phiên điều trần đều có chung kết quả, đó là không thể gây khó dễ cho mạng xã hội này.
Nhưng ngày 5/10 đặc biệt hơn những lần trước, vì người bị chất vấn là một cựu quản lý Facebook: Frances Haugen.
Haugen không phải nhân viên cũ đầu tiên chỉ trích cách vận hành của Facebook. Nhưng tiếng nói của bà có sức nặng hơn vì đi kèm với đó là những bằng chứng rõ ràng. Trước khi nghỉ việc, bà đã sao chép hàng nghìn trang tài liệu và khảo sát nội bộ, cho thấy Facebook vì lợi nhuận mà bỏ qua thông tin sai lệch.
Frances Haugen và Mark Zuckerberg. Ảnh: USA Today/Reuters
Phơi bày loạt sự thật
Haugen, 37 tuổi, cử nhân khoa học máy tính, từng giữ vị trí Giám đốc một bộ phận tại Facebook từ năm 2019 trước khi xin nghỉ việc hồi tháng 5.
Trước Tiểu ban Thượng viện Mỹ, Haugen chia sẻ các tài liệu nội bộ, cũng như giải thích hoạt động kỹ thuật của các nền tảng tại Facebook một cách trau chuốt và đơn giản. Bà cũng trích dẫn ví dụ về những tác hại mà chúng có thể gây ra.
Cả trước và trong phiên điều trần, cựu nhân viên Facebook đề cập hàng loạt nội dung mà công ty này che giấu. Trong đó, bà cho biết mạng xã hội lớn nhất thế giới luôn chọn cách ưu tiên lợi nhuận thay vì lợi ích của công chúng. Ví dụ, bà cung cấp báo cáo nội bộ cho WSJ, cho thấy 1/3 người dùng là nữ ở tuổi vị thành niên cảm thấy tự ti vì cơ thể hơn sau khi sử dụng Instagram. Nhiều cô gái tuổi teen khác nói Instagram khiến họ bị rối loạn lo âu và trầm cảm.
Bên cạnh đó, Haugen cũng liên tục đề cập đến các vấn đề của mạng xã hội ở các quốc gia, như mối liên hệ giữa hoạt động trên Facebook với bạo lực ở Myanmar và Ethiopia, hay gián điệp của Trung Quốc và Iran. Theo bà, việc Facebook xếp hạng nội dung dựa trên mức độ tương tác, như lượt thích, chia sẻ, bình luận góp phần "cổ vũ bạo lực sắc tộc theo nghĩa đen" ở một số quốc gia.
"Chừng nào Facebook còn hoạt động trong bóng tối, sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm", Haugen nói với WSJ hôm 3/10. "Họ sẽ tiếp tục đưa ra những lựa chọn đi ngược lại với lợi ích chung của cộng đồng".
Cú đánh mạnh vào Facebook
Theo giới quan sát, những tiết lộ mới sẽ khiến Facebook ngày càng đánh mất niềm tin đối với người dùng và các nhà đầu tư thời gian tới.
"Facebook là một trong những công ty tồi tệ nhất được thành lập", chuyên gia tài chính Michael Lee nhận xét trên Fox Business. "Tôi tin đó là một công ty độc ác, nhất là khi họ đã có những nghiên cứu nội bộ về việc nền tảng có thể gây hại cho nhiều người, trong đó có thanh thiếu niên, nhưng lại không có động thái thay đổi".
Cũng theo ông Lee, Facebook đã trở thành một công cụ chính trị ở nhiều nơi, nhưng lại không phải chịu bất kỳ hậu quả lớn nào. "Không ai làm gì được họ, họ đã trở nên quá mạnh và quá quyền lực", Lee nói.
Yael Eisenstat, một cựu nhân viên Facebook, cho rằng những tiết lộ của Haugen rất quan trọng. "Trong nhiều năm, chúng ta biết về những vấn đề này thông qua báo chí và nhà nghiên cứu, nhưng Facebook 'mài sẵn chiếc rìu' và bảo với chúng ta đừng tin lời ai. Lần này, các tài liệu của Hauden đã nói lên sự thật", Eisenstat chia sẻ với Vox.
Mmột số nhà lập pháp Mỹ cũng tiếp tục lên tiếng kêu gọi thay đổi Điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ. Họ cho rằng với những sự thật đã phơi bày, các công ty như Facebook phải chịu trách nhiệm không chỉ về bài đăng người dùng, mà cả về cách các nền tảng phổ biến nội dung.
'Anh hùng nước Mỹ thế kỷ XXI'
Tại phiên điều trần, lời khai của Haugen được đánh giá có sức thuyết phục đối với hầu hết thành viên của tiểu ban - những người ca ngợi và khẳng định sẽ cố gắng bảo vệ bà.
"Cô là một anh hùng nước Mỹ thế kỷ XXI", Thượng nghị sĩ Ed Markey nói tại phiên điều trần. "Đất nước nợ cô về sự dũng cảm mà cô thể hiện ở đây hôm nay".
Theo CNN, Haugen không giống Zuckerberg hay các giám đốc cấp cao khác - vốn đứng ra để bảo vệ danh tiếng công ty. Bà cũng có đủ thời gian trải nghiệm môi trường làm việc của Facebook. Thực tế, trước Thượng viện Mỹ, Haugen thể hiện rõ kiến thức nền tảng sâu rộng của mình về công nghệ khi giải thích và chỉ trích cách thức hoạt động của các nền tảng Facebook. Haugen từng học kỹ thuật điện và máy tính, lấy bằng MBA tại Harvard và làm tại nhiều công ty công nghệ trước khi gia nhập Facebook, như Google, Pinterest, Yelp và Hinge.
Với kinh nghiệm "quản lý sản phẩm theo thuật toán" trong nhiều năm, Haugen đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Facebook có thể thay đổi nền tảng, bao gồm cả việc loại bỏ các thuật toán xếp hạng nội dung dựa trên mức độ tương tác và các biện pháp dựa trên mức độ phổ biến như lượt thích và bình luận như hiện tại.
Haugen cũng nhiều lần tuyên bố không chống lại Facebook, nhưng lo ngại "hệ thống này sẽ tạo sự nguy hiểm nếu tiếp tục tồn tại". Việc tố cáo của bà là nhằm giúp công ty cũ giải quyết các vấn đề nghiêm trọng. Bà thậm chí nói sẵn sàng làm việc cho Facebook một lần nữa, nếu có cơ hội.
"Facebook đang mắc kẹt trong vòng lặp vô tận chưa thể thoát ra. Họ cần thừa nhận mình đang làm điều gì đó sai và cần được người khác giúp đỡ giải quyết", Haugen nói.
Sau phiên điều trần, Chủ tịch tiểu ban về Bảo vệ người tiêu dùng, An toàn sản phẩm và Bảo mật dữ liệu Richard Blumenthal đánh giá những gì Haugen nói là thuyết phục và đáng tin cậy. "Haugen muốn sửa chữa Facebook chứ không phải thiêu rụi nó", ông nhận xét.
Nỗ lực làm mất uy tín Haugen của Facebook
"Hôm nay, Tiểu ban Thương mại Thượng viện đã tổ chức một buổi điều trần với một cựu quản lý tại Facebook. Thế nhưng, người này có thâm niên chưa tới 2 năm, lại chưa bao giờ tham dự cuộc họp quyết định với các giám đốc điều hành cấp C", Andy Stone, phát ngôn viên Facebook viết trên Twitter ngày 5/10. "Chúng tôi không đồng ý với nhiều vấn đề mà bà ấy đề cập tại phiên điều trần".
Stone phản bác các nội dung liên quan đến quyền trẻ em mà Haugen nêu ra. "Thực tế, Haugen không hoạt động về an toàn trẻ em hoặc Instagram. Bà ấy cũng không nghiên cứu, không có kiến thức trực tiếp về chủ đề này nếu dựa trên công việc đã làm tại Facebook", Stone nhấn mạnh. "Haugen đã làm chứng về một chủ đề mà bà ấy không có liên quan".
Monika Bickert, đứng đầu quản lý chính sách toàn cầu của Facebook, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng có "sự phân tích sai" các dữ liệu mà Haugen tham chiếu trong phiên điều trần. Bà gọi chúng là "tài liệu bị đánh cắp".
Cuối ngày 5/10, Mark Zuckerberg cũng đăng "tâm thư" dài 1.316 từ lên tài khoản Facebook cá nhân, chỉ trích những gì Haugen nói trước Quốc hội đã tạo ra một "bức tranh sai lệch về công ty". Ông khẳng định công ty xây dựng trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của những người trẻ tuổi trong khi vẫn giữ an toàn cho họ.
Thực tế, bản thân Haugen cũng nhiều lần trong khẳng định không làm việc trực tiếp về các vấn đề an toàn trẻ em. Tuy nhiên, bà chỉ trích công ty cũ dựa trên các thông tin đã biết và trong tài liệu nội bộ có được. Với các lĩnh vực ngoài tầm hiểu biết, bà từ chối trả lời.
Nỗ lực "dìm" Haugen của Facebook không gây ấn tượng với Thượng viện Mỹ. Đáp lại Andy Stone trên Twitter, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn nói muốn Facebook ra điều trần để đối chất các vấn đề liên quan thời gian tới, nhất là các vấn đề về trẻ em, quyền riêng tư.
Nguồn: vnexpress
Xem thêm: Filco ra mắt bàn phím cơ hoàn toàn bằng thép